Các Trường Hợp Lừa Đảo Trong Mua Bán Hàng Hóa Quốc Tế
Bởi vì quy trình thực hiện phức tạp nhưng không hẳn nhiều bạn nắm rõ về quy trình này, do vậy, các đối tượng đã lợi dụng điều này để thực hiện các trường hợp lừa đảo trong mua bán hàng hóa quốc tế.
Có rất nhiều trường hợp xảy ra, Xuất nhập khẩu Lê Ánh sẽ liệt kê một số trường hợp lừa đảo trong mua bán hàng hóa quốc tế phổ biến được báo Hải quan Online đưa tin dưới đây:
>>>>> Bài viết xem nhiều: học xuất nhập khẩu online
Trường hợp lừa đảo trong mua bán hàng hóa quốc tế
Một số trường hợp lừa đảo trong mua bán hàng hóa quốc tế mà bạn cần lưu ý:
1.Giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế để lừa đảo
Các đối tượng người nước ngoài câu kết với đối tượng người Việt Nam giả danh là nhân viên sân bay, hải quan, thuế… yêu cầu bị hại phải nộp tiền để nhận quà tặng.
Đó là thông tin được Công an TPHCM cảnh báo ngày 22/12 sau khi ghi nhận nhiều trường hợp người dân bị các đối tượng giả danh là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Hải quan, Thuế và lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Công an TPHCM, các đối tượng lừa đảo là người nước ngoài giả danh kỹ sư dầu khí, bác sĩ, doanh nhân thành đạt góa vợ… lên các trang mạng xã hội để làm quen, kết bạn với bị hại, chủ yếu là nữ.
Sau đó, đối tượng thường xuyên nhắn tin tâm sự, vờ yêu đương rồi nói muốn gửi tiền, quà cho bị hại.
Các đối tượng này câu kết với đối tượng người Việt Nam giả danh là nhân viên sân bay, hải quan, thuế… yêu cầu bị hại phải nộp tiền để nhận quà tặng với các lý do khác nhau như: cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt… vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt.
Hầu hết tài khoản nhận tiền của các đối tượng lừa đảo đều được thu mua qua mạng, thuê tài khoản hoặc sử dụng giấy tờ giả để mở tài khoản.
Để phòng ngừa, Công an TPHCM khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân cho các đối tượng quen biết qua mạng xã hội khi chưa gặp gỡ trực tiếp, không rõ nhân thân, lai lịch, nhất là các đối tượng luôn hứa hẹn hôn nhân, cho tài sản có giá trị.
Tuyệt đối không chuyển, nộp tiền cho các đối tượng tự xưng là nhân viên sân bay, hải quan, thuế… để nhận quà tặng.
Ngoài tình trạng trên, trong thời gian qua, công an TPHCM ghi nhận nhiều trường hợp giả danh là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện thoại thông báo tài khoản của nạn nhân có liên quan đến tội phạm.
Các đối tượng hù dọa, yêu cầu chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản của cơ quan Công an (thực chất là tài khoản của đối tượng lừa đảo) để kiểm tra, xác minh nguồn gốc số tiền và sau đó chiếm đoạt số tiền này.
Hoặc sau khi hù dọa, đối tượng gửi đến nạn nhân đường dẫn phần mềm gián điệp có tên “Bộ Công an” và yêu cầu cài đặt app ứng dụng Bộ Công an trên thiết bị điện tử (điện thoại di động, máy tính bảng).
Sau khi cài đặt, app ứng dụng trên sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng trực tuyến, user, password, số điện thoại, mã OTP xác thực tài khoản. Ngay khi nạn nhân cung cấp những thông tin trên, chúng lập tức chiếm quyền sử dụng tài khoản và thực hiện lệnh chuyển hết số tiền đến các tài khoản ngân hàng khác để chiếm đoạt.
Chia sẻ cách phòng ngừa thủ đoạn trên, Công an TPHCM cho biết, khi nhận được những cuộc điện thoại tự xưng là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án... người dân bình tĩnh, dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại, yêu cầu gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ đến Công an địa phương nơi mình cư trú hoặc yêu cầu liên hệ với Cảnh sát khu vực;
Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn như bấm phím số trên máy điện thoại, xác minh số điện thoại…; không cung cấp số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai; tuyệt đối không chuyển tiền dưới bất kỳ hình thức nào (nếu đã chuyển phải báo ngân hàng phong tỏa ngay số tiền đã chuyển); thông báo cho cơ quan Công an gần nhất để xử lý.
2.Lừa đảo qua ngân hàng
Nhiều thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, doanh nghiệp qua hệ thống ngân hàng đã được Công an TPHCM cảnh báo.
Theo Phòng Tham mưu Công an TPHCM, thời gian qua, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hệ thống ngân hàng diễn ra khá phổ biến, với nhiều thủ đoạn mới.
Thủ đoạn “giả mạo SMS Brandname”
Với thủ đoạn này, các đối tượng sử dụng các thiết bị viễn thông công nghệ cao giả mạo tin nhắn SMS có tên thương hiệu các tổ chức ngân hàng, tài chính (Sacombank, ACB, BIDV, TPBank, Zalopay…) gửi đến các thuê bao di động được lưu trữ cùng thư mục với các tin nhắn thương hiệu thật của các ngân hàng trên điện thoại di động của người dùng với nội dung cảnh báo giả mạo để tạo tâm lý hoang mang lo sợ của người dân, đồng thời gây nhầm tưởng đây là thông báo chính thức từ ngân hàng.
Tinh vi hơn, trong nội dung tin nhắn SMS giả mạo này có kèm đường dẫn website có địa chỉ tên miền gần giống với tên ngân hàng để dẫn dụ nạn nhân nhập thông tin tài khoản ngân hàng trực tuyến (user và password đăng nhập), số điện thoại và mã OTP xác nhận tài khoản trên website giả mạo đó.
Những thông tin do nạn nhân cung cấp trên đường dẫn đồng thời được truyền về cho đối tượng tin tặc (hacker) và lập tức bị mất quyền sử dụng tài khoản ngân hàng trực tuyến về tay hacker, đồng thời toàn bộ tiền trong tài khoản cũng bị chiếm đoạt tức thời mà nạn nhân không hề hay biết.
Theo Công an TPHCM, các trang web chính thức của các tổ chức tài chính, ngân hàng được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam thường được đăng ký tên miền (.vn) hoặc (.com.vn).
Các trang web đăng ký giống nhưng đuôi khác như (.vip), (.top), (.cc), (.com)… đều là giả mạo. Khi nhận các tin nhắn SMS từ phía ngân hàng cảnh báo về những hoạt động bất thường liên quan đến tài khoản cá nhân mà có những dấu hiệu như thủ đoạn nói trên thì người dân bình tĩnh gọi lên tổng đài chính thức của ngân hàng để kiểm tra lại thông tin SMS mới nhận là đúng hay sai; phản ánh nội dung các tin nhắn vừa nhận được.
Không công khai các thông tin cá nhân như: ngày sinh, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… lên các trang mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng để lừa đảo. Khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cần chọn lọc những thông tin có thể chia sẻ công khai.
Người dân cũng cần thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet Banking, Smart Banking và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này; tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản, mật khẩu, mã OTP cho bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào. Không truy cập vào các đường dẫn giả mạo ngân hàng khi chưa kiểm chứng. Xác minh kỹ các thông tin trao đổi trên mạng xã hội, đặc biệt với các giao dịch liên quan đến tài chính.
Thủ đoạn “chuyển tiền nhầm”
Thủ đoạn trên xuất hiện khi nạn nhân bị lộ thông tin tài khoản ngân hàng (bị lộ thông tin từ phía nạn nhân, hoặc bị các đối tượng xấu mua lại thông tin từ “bên thứ 3” thu thập được) các đối tượng cố tình chuyển một khoản tiền vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân, sau đó thực hiện các kịch bản sau:
Mạo danh ngân hàng gọi điện hoặc gửi tin nhắn (hiển thị tên thương hiệu của ngân hàng) cho khách hàng thông báo giao dịch chuyển tiền bị treo hoặc có người chuyển nhầm và yêu cầu khách hàng truy cập đường dẫn website mạo danh ngân hàng trong tin nhắn để tra soát giao dịch, xác nhận thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền… nhằm dẫn dụ nạn nhân cung cấp thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập, mật khẩu, mã OTP) trên website mạo danh ngân hàng, sau đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng trực tuyến và toàn bộ số tiền có trong tài khoản của người dân.
Đối tượng có thể gọi điện trực tiếp tự xưng là người chuyển nhầm tiền vào tài khoản nạn nhân; để xin lại số tiền trên chúng kết bạn Zalo, Facebook và gửi đường link mạo danh ngân hàng cho nạn nhân với lý do chuyển tiền nhanh. Sau đó dẫn dụ nạn nhân cung cấp thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử trên website mạo danh ngân hàng. Khi nạn nhân thực hiện theo thì đối tượng chiếm đoạt tài khoản ngân hàng trực tuyến và toàn bộ số tiền có trong tài khoản của nạn nhân.
Cách phòng ngừa: Không sử dụng số tiền “chuyển nhầm” vào mục đích chi tiêu cá nhân mà gọi điện theo số hotline ngân hàng nơi mình mở tài khoản để trao đổi sự việc rồi yêu cầu nhân viên phong tỏa giao dịch với số tiền “chuyển nhầm” trên, hoặc có thể đến chi nhánh ngân hàng gần nhất trực tiếp yêu cầu phong tỏa giao dịch số tiền “chuyển nhầm”.
Người dân tuyệt đối không hoàn chuyển tiền cho người lạ (tự xưng người chuyển nhầm tiền qua điện thoại) khi không có bên thứ 3 làm chứng (đại diện ngân hàng hoặc cơ quan Công an). Đồng thời không tự ý hoàn chuyển vào tài khoản khác với tài khoản ngân hàng đã “chuyển nhầm” cho mình, phải chờ phía ngân hàng có phản hồi, giải quyết trước.
Khi nhận được điện thoại lạ tự xưng đại diện ngân hàng hay tổ chức liên quan thì lấy lý do để gọi lại sau và kiểm tra lại thông tin số điện thoại trên có đúng số điện thoại ngân hàng hay tổ chức có liên quan. Để chắc chắn hơn người dân nên yêu cầu bên chuyển nhầm tiền cùng mình lên ngân hàng để giải quyết.
Đặc biệt, không bao giờ cung cấp thông tin tài khoản đăng nhập khi sử dụng dịch vụ Internet Banking, Smart Banking (tên truy cập, mật khẩu, mã OTP) cho người khác trong mọi trường hợp. Không truy cập vào các đường dẫn giả mạo ngân hàng khi chưa kiểm chứng.
Thủ đoạn “Mạo danh ngân hàng cho vay”
Các đối tượng sử dụng Fanpage Facebook, website, Zalo có hình ảnh logo, hình ảnh phòng giao dịch, hội thảo tư vấn của các ngân hàng…, thậm chí hình ảnh của nhân viên ngân hàng để liên hệ với khách hàng, giới thiệu các gói vay hay tiền gửi hấp dẫn giải ngân nhanh với thủ tục đơn giản qua mạng. Sau đó, đối tượng yêu cầu khách hàng cần nộp một khoản phí chuyển Internet Banking vào tài khoản lừa đảo để được hưởng ưu đãi rồi chiếm đoạt tiền phí, sau đó chặn mọi liên lạc.
Cách phòng ngừa: Mọi khoản vay người dân nên liên hệ chi nhánh ngân hàng gần nhất nơi mình cư trú để làm thủ tục vay. Người dân tuyệt đối không làm việc với người tự xưng là nhân viên ngân hàng thông qua Fanpage Facebook, website, Zalo.
Lừa đảo mới về thông tin tín dụng
Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa cảnh báo về những biến tướng lợi dụng danh nghĩa của CIC để thực hiện lừa đảo một cách tinh vi.
Theo CIC, thời gian gần đây có nhiều phản ánh từ khách hàng về việc bị một số đối tượng sử dụng hình ảnh của CIC để tư vấn cấp tín dụng, cung cấp báo cáo thông tin tín dụng giả mạo có thu phí qua đường bưu điện hoặc được chào mời sử dụng các dịch vụ sửa, xóa thông tin nợ xấu trên một số trang mạng xã hội.
Mặc dù CIC đã có nhiều cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang web, ứng dụng điện thoại thông minh… về hoạt động lừa đảo này, nhưng tình trạng trên vẫn xuất hiện. Đặc biệt thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều biến tướng lợi dụng danh nghĩa của CIC để thực hiện lừa đảo một cách tinh vi.
Trong đó, thường xảy ra một số tình huống như đối tượng lừa mạo danh cán bộ CIC (dùng điện thoại, hoặc gửi email, tin nhắn zalo…) thông báo khách hàng được vay vốn với lãi suất ưu đãi, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân (chứng minh thư, sổ hộ khẩu) để được hỗ trợ cho vay, sau đó yêu cầu khách hàng trả phí để được vay vốn.
Đối tượng mạo danh CIC, thông báo khách hàng nhận được phần quà là 1 thẻ chi tiêu và một lọ nước hoa, yêu cầu khách hàng thanh toán tiền thuế để nhận được quà.
Không chỉ mạo danh cán bộ, một số đối tượng mạo danh CIC, gửi thư qua đường bưu điện cho khách hàng để cung cấp báo cáo tín dụng cá nhân và yêu cầu khách hàng thanh toán phí.
Theo CIC, hiện cơ quan này đang cung cấp báo cáo tín dụng thể nhân hoàn toàn miễn phí qua website và ứng dụng CIC Credit Connect trên điện thoại thông minh. Vì vậy, CIC cảnh báo khách hàng không mua các báo cáo tín dụng từ các tổ chức khác, các nguồn tin không chính thống dưới danh nghĩa CIC.
Cơ quan này cũng khuyến nghị khách hàng không truy cập vào đường dẫn mạo danh CIC; không nộp tiền cho bất cứ đơn vị nào mạo danh CIC để cung cấp báo cáo tín dụng, đề nghị các khoản vay.
Hiện, CIC là một trong những đơn vị thuộc sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Kho dữ liệu thông tin tín dụng của CIC hiện lưu giữ hơn 45,6 triệu thông tin khách hàng vay của hầu hết các tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô. Những thông tin lưu trên hệ thống CIC sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động phê duyệt hồ sơ vay vốn của các ngân hàng đối với khách hàng.
3.Lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế qua internet
Thời gian qua, nhiều cơ quan quản lý đã lên tiếng cảnh báo doanh nghiệp về những chiêu trò lừa đảo chào bán, mua hàng, ký kết hợp đồng giao dịch thương mại quốc tế qua internet với những công ty mới quen biết. Không ít doanh nghiệp đã “sập bẫy”, vì thế càng phải nâng cao cảnh giác trong bối cảnh giao thương trực tiếp khó khăn trước ảnh hưởng của đại dịch.
Do đại dịch Covid-19 khiến giao dịch thương mại trên toàn cầu bị tác động, Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) liên tục tiếp nhận, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp doanh nghiệp Việt Nam nhận được lời mời chào bán, mua hàng, ký kết hợp đồng giao dịch thương mại có dấu hiệu lừa đảo, gian lận từ một số doanh nghiệp có trụ sở tại UAE. Cơ quan này đã “điểm mặt” một số doanh nghiệp như: Green Light Foodstuff Trading LLC, Climax General Trading LLC, Loyalpur General Trading LLC, Choice Global FZC/Vital Fresh General Trading LLC, International Dragon Food Trading LLC (IDP)…
Theo cơ quan này, một số hình thức gian lận thương mại mà các doanh nghiệp nêu trên sử dụng như: giao hàng không trả tiền; làm giả giấy tờ, thậm chí là giấy tờ ngân hàng để lấy hàng, cài người lấy chứng từ xuất khẩu; sử dụng hacker xâm nhập địa chỉ email của 2 bên doanh nghiệp đang có giao dịch, theo dõi tiến trình đàm phán, khi bên mua chuẩn bị chuyển tiền mua hàng hóa thì "hack" email hoặc tạo tài khoản email giả mạo để gửi thông tin tài khoản, khi bên mua chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, đối tượng sẽ ngay lập tức rút tiền và biến mất.
Đặc biệt, các doanh nghiệp này còn lợi dụng sự bất cẩn, thiếu chuyên nghiệp của các doanh nghiệp trong nước, như không yêu cầu tổ chức giám định có uy tín kiểm tra hàng trước khi giao hàng, không thẩm định các thông tin về doanh nghiệp đối tác, không có người của phía Việt Nam sang để làm việc… để chuyển hàng không giá trị, không đúng hợp đồng, hoặc thông báo hàng hỏng, kém chất lượng để ép giá, trừ nợ hoặc đòi bồi thường…
Thương vụ tại Hà Lan cũng đã đưa ra lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam trong giao dịch với những công ty mới quen biết, lấy địa chỉ trên Internet.
Trước đó, vào giữa tháng 12/2020, Thương vụ tại Hà Lan nhận được một đề nghị của doanh nghiệp Việt Nam nhờ kiểm tra một doanh nghiệp Hà Lan trước tiến hành giao dịch kinh doanh nhập khẩu đồ uống và thực phẩm với tên gọi là AFF BV. Khi truy cập website thấy quảng bá về các sản phẩm liên quan đến đồ uống và thực phẩm, hình thức website tương đối bắt mắt, số điện thoại liên hệ và hình ảnh người liên hệ đầy đủ. Tuy nhiên, khi Thương vụ gọi đến số điện thoại di động đăng ký trên KVK thì được biết, công ty này đã phá sản và không có bất kỳ một giao dịch nào, công ty đang bị một số người lấy cắp thông tin để thực hiện hành vi lừa đảo.
Cách đây không lâu, Công ty TNHH Chế biến Thủy sản XNK Đệ Khang Phú Thành cho biết đã bị tổ chức nước ngoài lừa đảo trong giao dịch nhập khẩu hàng hóa dù đã tìm hiểu theo đúng tên căn cứ vào danh sách các công ty được phép nhập khẩu vào Việt Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và có giao dịch qua Hải quan Việt Nam. Nhưng trong quá trình giao dịch, đối tác liên tục thay đổi điều khoản thanh toán, trong đó yêu cầu giao dịch trả đủ 100% tiền mới giao hàng về Việt Nam. Công ty Đệ Khang Phú Thành đã trả cho công này 9.800 USD. Nhưng sau quá trình tìm hiểu của đối tác khác và ngân hàng trung gian nhận tiền Bank of America, doanh nghiệp mới biết là đã bị lừa, không thể lấy lại tiền. Đại diện doanh nghiệp này khẳng định, đây là tổ chức lừa đảo qua mạng xã hội, có hệ thống và rất có kinh nghiệm giao dịch quốc tế và am hiểu kỹ về xuất nhập khẩu của ngành thủy sản.
Doanh nghiệp phải cẩn trọng
Theo lý giải của đại diện Thương vụ UAE, mặc dù đã có các cảnh báo, lưu ý đối với các doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên, do tâm lý chủ quan, lợi nhuận cao, nghiệp vụ ngoại thương hạn chế, cũng như tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến việc đi lại, gặp gỡ làm việc trực tiếp hoặc kiểm tra hàng hóa… bị gián đoạn, phải chuyển hướng sang hình thức giao thương online, nên vẫn có nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị lừa, thiệt hại nặng nề trong giao dịch.
Do vậy, theo các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước cần chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật của nguồn nhân lực làm công tác ngoại thương, phát triển thị trường của doanh nghiệp mình.
Chia sẻ về kinh nghiệm của doanh nghiệp, theo đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ BigPhone Việt Nam, để hạn chế rủi ro khi thanh toán với đối tác quốc tế, các doanh nghiệp nên đề nghị đối tác sử dụng L/C không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín, đồng thời hạn chế cho khách hàng trả chậm. Doanh nghiệp cũng phải đề nghị ngân hàng Việt Nam kiểm tra tính xác thực của L/C trước khi giao chứng từ. Vị này cũng cho hay, khi làm việc với đối tác, doanh nghiệp hạn chế thanh toán đặt cọc trước cho đối tác, không chấp nhận các điều khoản thanh toán bất lợi như D/A (nhờ thu chấp nhận chứng từ), D/P (giao tiền thì giao chứng từ) hoặc cho khách hàng nợ tiền hàng…
Ngoài ra, các cơ quan quản lý thuộc Bộ Công Thương cũng lưu ý, các doanh nghiệp cần thực hiện việc xác minh, thẩm định đối tác, đặc biệt là các đối tác mới lần đầu giao dịch, đề nghị cung cấp các giấy tờ cụ thể như giấy phép kinh doanh, ID của người chủ doanh nghiệp…. Đối với các đơn hàng ký kết lần đầu, qua hình thức trực tuyến hoặc có nghi ngờ về tính xác thực, doanh nghiệp nên liên hệ với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để được hỗ trợ và cung cấp thông tin cần thiết.
4. Lừa đảo đặt cọc hàng nhập khẩu
Đặt cọc gần chục nghìn USD cho doanh nghiệp nước ngoài để nhập khẩu hàng hoá, một doanh nghiệp Việt Nam đã bị doanh nghiệp này làm chứng từ giả lừa đảo, chiếm đoạt tiền đặt cọc.
Công ty TNHH Chế biến Thủy sản XNK Đệ Khang Phú Thành vừa bị tổ chức nước ngoài lừa đảo trong giao dịch nhập khẩu hàng hoá, nên doanh nghiệp này đã đưa ra nội dung cảnh báo về hiện tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền cọc và làm chứng từ giả của một công ty thủy sản Nauy.
Theo Công ty TNHH Chế biến Thủy sản XNK Đệ Khang Phú Thành, khi tìm hiểu về đối tác, công ty đã căn cứ theo danh sách các công ty được phép nhập khẩu vào Việt Nam là đơn vị làm ăn uy tín vì được sự chấp thuận của Cục Chế biến nông lâm thuỷ sản -Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và có giao dịch qua Hải quan Việt Nam.
Đặc biệt, tên công ty SJOTROLL khá nổi tiếng trong ngành thủy sản Nauy, có 3 doanh nghiệp trùng tên trong danh sách 200 doanh nghiệp Nauy được Việt Nam cấp phép nhập khẩu, gồm: SJOTROLL HAVBRUK AS AVDREXSTAR – Số thứ tự 173/218 nhà nhập khẩu–Mã số approval code: H78 SJOTROLL HAVBRUK AS AVD BRANDASUN- số thứ tự 133/218 nhà nhập khẩu–Mã số cấp phép NK: H107. Và một doanh nghiệp trùng tên khác không có tên trong danh sách nhưng mượn code xuất khẩu vào Việt Nam.
Quá trình giao dịch của Công ty TNHH Chế biến Thủy sản XNK Đệ Khang Phú Thành với công ty Na Uy diễn ra từ tháng 9/2020. Theo đó, thoả thuận ngày giao hàng là 13/11/2020, nhưng họ liên tục thay đổi điều khoản thanh toán, trong đó yêu cầu giao dịch trả đủ 100% tiền mới giao hàng về Việt Nam. Công ty TNHH Chế biến Thủy sản XNK Đệ Khang Phú Thành đã trả cho công này 9.800 USD.
Từ ngày 13/11/2020 tới 21/12/2020 họ tìm cách kéo dài ngày giao hàng nhiều lần. Chứng từ của công ty Na Uy này không có số container, không có số seal, không có vận đơn (bill lading). Tên tàu vận chuyển thuộc cảng nội địa Đức từ Bremenhaven- Hamburg chứ không phải là Nauy
Sau quá trình nhờ sự hỗ trợ tìm hiểu của đối tác khác và ngân hàng trung gian nhận tiền Bank of America, doanh nghiệp mới biết là đã bị lừa gạt có hệ thống.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, mặc dù không tiện nêu chi tiết giao dịch thương lượng, nhưng khẳng định đây là tổ chức lừa gạt qua mạng xã hội, có hệ thống và rất có kinh nghiệm giao dịch quốc tế và am hiểu kỹ về XNK của ngành thủy sản.
Khi doanh nghiệp thúc giục trả lại tiền cọc 9.800 USD thì phía họ tìm mọi cách kéo dài, nói lý do tới cuối tháng 12/2020 hoàn trả tiền cọc. Nhưng cho tới nay họ đã cắt đứt mọi liên lạc, không giao hàng như cam kết hợp đồng và không hoàn trả số tiền cọc này (khoảng 225 triệu đồng).
Từ thực tế trên, khuyến cáo các doanh nghiệp trong ngành thủy sản đề phòng tổ chức lừa đảo này, cũng như cẩn trọng trong các giao dịch XNK...
5.Cảnh báo doanh nghiệp "nhẹ dạ" bị đối tác nước ngoài lừa đảo
Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức cảnh giác trong giao dịch với những công ty mới quen biết, lấy địa chỉ trên Internet, có trường hợp có liên lạc qua sàn thương mại điện tử Alibaba...
Ngày 26/10 vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan nhận được đề nghị của một doanh nghiệp Việt Nam nhờ kiểm tra một doanh nghiệp Hà Lan trong giao dịch nhập khẩu gỗ có tên là R.Van Ree Beheer B.V, địa chỉ tại Corneillelaan 2, 1181 LG Amstelveen, Netherlands.
Số điện thoại di động sử dụng trên nền tảng WhatsApp +31644727115 và số cố định +31-20-8946374, số điện thoại cố định là +31-20-2623927 và website https://rvrbbv.com.
Cụ thể, trong vụ việc này đối tác Hà Lan yêu cầu công ty Việt nam đặt cọc 50% tiền hàng, sau đó lại yêu cầu thanh toán chuyển tiền tiếp 50% còn lại trị giá hợp đồng, sau đó lại tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam đó phải thanh toán 5 nghìn USD do hàng bị giữ tại cảng. Do nghi ngờ bị lừa đảo nên công ty Việt Nam không đồng ý chuyển tiền thêm nữa và viết thư đề nghị Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan giúp kiểm tra.
Nhận được yêu cầu đó, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan đã triển khai kiểm tra tính xác thực cũng như thực chất của giao dịch trên.
Kiểm tra tư cách pháp nhân của Công ty R.Van Ree Beheer B.V tại cơ sở dữ liệu đăng ký thành lập doanh nghiệp của phòng Thương mại Hà Lan (tại website: www.kvk.nl) cho thấy, đây là một công ty có tư cách pháp nhân được thành lập năm 1991, của một người, lĩnh vực kinh doanh là đầu tư tài chính, có địa chỉ tại Corneillelaan 2, 1181 LG Amstelveen. Lĩnh vực hoạt động theo đăng ký kinh doanh là đầu tư tài chính.
Ngay trong chiều ngày 26/10, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan đã đến tại địa chỉ công ty đó đăng ký và chụp ảnh cho thấy đây là nhà riêng (công ty một người thường làm việc ngay tại nhà), như vậy không có liên quan gì đến hoạt động xuất nhập khẩu rất nhiều loại thực phẩm và gỗ (như thông tin trên website).
Thương vụ cũng đã gọi điện thoại nhiều lần vào số di động mà phía công ty nêu trên tại Hà Lan hay dùng WhatsApp để giao dịch với công ty Việt Nam là số +31644727115 và số cố định +31-20-8946374 (như thông tin ghi trên email giao dịch) và số cố định trên website https://rvrbbv.com +31-20-2623927 thì đều không có tín hiệu.
Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết, cảm quan đánh giá các chứng từ mà công ty Việt Nam gửi cho thương vụ được nhận định đều là chứng từ giả.
Từ thực tế vụ việc nêu trên, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức cảnh giác trong giao dịch với những công ty mới quen biết, lấy địa chỉ trên Internet, có trường hợp có liên lạc qua sàn thương mại điện tử Alibaba; hoặc chưa có giao dịch làm ăn với nhau.
Trước khi tiến hành các cam kết làm ăn hoặc chuyển tiền trả trước cho các doanh nghiệp dạng này, các công ty Việt Nam nên tiến hành một số bước kiểm tra đơn giản để xác thực sơ bộ về công ty/đối tác nước ngoài.
Trước khi tiến hành giao dịch, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tìm mọi thông tin liên quan và thực hiện một số kiểm tra sơ bộ như: Tra cứu địa chỉ công ty/đối tác nước ngoài trên Google xem hình ảnh Google map có văn phòng, biển hiệu công ty hay không; số điện thoại liên hệ có số cố định không hay chỉ có số di động...
6.Cảnh báo gấp doanh nghiệp UAE lừa đảo, gian lận thương mại
Trong thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2020 khi xảy ra đại dịch Covid-19, Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) liên tục tiếp nhận, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp doanh nghiệp Việt Nam nhận được lời mời chào bán, mua hàng, ký kết hợp đồng giao dịch thương mại có dấu hiệu lừa đảo, gian lận từ một số doanh nghiệp có trụ sở tại UAE.
Mặc dù đã có cảnh báo, lưu ý đối với các doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên do tâm lý chủ quan, lợi nhuận cao, nghiệp vụ ngoại thương hạn chế, cũng như tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến việc đi lại, gặp gỡ làm việc trực tiếp hoặc kiểm tra hàng hóa… bị gián đoạn nên vẫn có nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị lừa, thiệt hại nặng nề trong giao dịch.
Thương vụ Việt Nam tại UAE khuyến cáo một số hình thức gian lận thương mại gồm: Giao hàng không trả tiền; làm giả giấy tờ, thậm chí là giấy tờ ngân hàng để lấy hàng, cài người lấy chứng từ xuất khẩu;
Sử dụng hacker xâm nhập địa chỉ email của hai bên doanh nghiệp đang có giao dịch, theo dõi tiến trình đàm phán. Khi bên mua chuẩn bị chuyển tiền mua hàng hóa thì hack hòm thư email (hoặc tạo 1 tài khoản email có địa chỉ gần giống tuyệt đối với email của bên bán) để gửi thông tin tài khoản lừa đảo. Sau khi bên mua chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, đối tượng sẽ ngay lập tức rút tiền và biến mất…
Một số dấu hiệu nhận biết lừa đảo gồm: Việc đàm phán giá cả, hợp đồng diễn ra dễ dàng, nhanh chóng, ít đàm phán mặc cả, chấp nhận giá cao…; bắt đặt cọc để nhận khoản tiền đầu tư hoặc làm các thủ tục giấy tờ tại UAE; không cung cấp hoặc các giấy tờ cung cấp của nhiều pháp nhân khác nhau…
Thương vụ Việt Nam tại UAE lưu ý các doanh nghiệp trong nước cần chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật của nguồn nhân lực làm công tác ngoại thương, phát triển thị trường của doanh nghiệp mình.
Giá cả các loại hàng hóa hiện nay đều được cập nhật rõ ràng qua thông tin thị trường hoặc trên các trang web hàng hóa quốc tế. Vì vậy, khi có đơn hỏi hàng hóa trả giá quá cao hoặc quá thấp so với mặt bằng, doanh nghiệp cần hết sức lưu ý và kiểm tra kỹ độ tin cậy. Đồng thời, phải thực hiện việc xác minh, thẩm định đối tác, đặc biệt là các đối tác mới lần đầu giao dịch, đề nghị cung cấp các giấy tờ cụ thể như giấy phép kinh doanh, ID của chủ doanh nghiệp….
Danh sách một số doanh nghiệp UAE có dấu hiệu lừa đảo trong thời gian qua như sau: GREEN LIGHT FOODSTUFF TRADING LLC; CLIMAX GENERAL TRADING LLC; Loyalpur General Trading LLC; Choice Global FZC/Vital Fresh General Trading LLC; International Dragon Food Trading LLC (IDP).
Xuất nhập khẩu Lê Ánh mong rằng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn tránh được các trường hợp lừa đảo trong mua bán hàng hóa quốc tế.
Tất nhiên, Trong quá trình làm nghề xuất nhập khẩu, có rất nhiều người gặp khó khăn. Vì vậy, nhiều bạn chọn giải pháp học xuất nhập khẩu thực tế để trang bị kiến thức thực tế nhất về nghề xuất nhập khẩu và rèn luyện kĩ năng làm việc. Bạn hoàn toàn có thể tham gia các khóa học xuất nhập khẩu thực tế ngắn hạn tại XNK Lê Ánh để học toàn bộ nghiệp vụ xuất nhập khẩu được giảng dạy bởi các chuyên gia hàng đầu trong ngành xuất nhập khẩu và logistics.
Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn chi tiết về các khóa học xuất nhập khẩu: 0904848855/0966199878
Chúc bạn thành công!
Tham khảo thêm:
- Thanh toán T/T là gì? Quy trình làm thanh toán bằng điện chuyển tiền T/T
- UCP 600 trong Thanh toán quốc tế
- Những Rủi Ro Trong Thanh Toán Quốc Tế
- Đàm phán về Thời hạn thanh toán trong hợp đồng ngoại thương
- Biểu thuế xuất nhập khẩu 2022
Nguồn: Hải quan online