Tiêu Chí Xuất Xứ Thuần Túy (W/O)
Tiêu chí xuất xứ thuần túy, hay còn gọi là Wholly Obtained (W/O), là một trong những tiêu chí quan trọng để xác định nguồn gốc của hàng hóa trong thương mại quốc tế.
W/O áp dụng cho các sản phẩm được sản xuất hoàn toàn trong một quốc gia, không có sự can thiệp của nguyên liệu nhập khẩu. Điều này giúp đảm bảo tính minh bạch về nguồn gốc sản phẩm và tạo điều kiện thuận lợi trong các thỏa thuận thương mại quốc tế.
Cùng Xuất nhập khẩu Lê Ánh tìm hiểu chi tiết về Tiêu Chí Xuất Xứ Thuần Túy (W/O) trong bài viết dưới đây.
1. Tiêu Chí Xuất Xứ Thuần Túy (W/O) Là Gì?
Tiêu chí xuất xứ W/O trong CO hay Wholly Obtained - Xuất xứ thuần túy là hàng hóa được sản xuất toàn bộ tại nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa đó.
Có thể hiểu với tiêu chí W/O là hàng hóa được thu hoạch hoặc sản xuất hoàn toàn trong phạm vi lãnh thổ của một Bên thành viên xuất khẩu, hoặc được tạo ra hoàn toàn từ nguyên liệu có xuất xứ thuần túy từ Bên thành viên xuất khẩu đó.
Bất kỳ thành phần/ nguyên liệu không có xuất xứ thuần túy của Bên xuất khẩu được thêm vào trong quá trình sản xuất sẽ loại trừ hàng hoá đó ra khỏi nhóm “hàng hoá có xuất xứ thuần tuý”
Ví dụ: Sản phẩm từ tự nhiên hoặc được làm từ sản phẩm tự nhiên.
W/O (Wholly Obtained) cũng có thể được mở rộng để hiểu là xuất xứ thuần túy trong phạm vi lãnh thổ của một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), bao gồm nhiều hơn một Bên thành viên. Khái niệm này, thường gọi là W/O-FTA, được áp dụng trong các hiệp định như Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trong bối cảnh này, các Bên thành viên của FTA được xem như những phần lãnh thổ nhỏ (tỉnh, thành phố hoặc khu vực) của một quốc gia thống nhất. Toàn bộ khu vực FTA được coi là một đơn vị lãnh thổ chung, với quy tắc xuất xứ được áp dụng như thể nó thuộc về một quốc gia duy nhất. Điều này tạo thuận lợi cho việc công nhận xuất xứ hàng hóa trong khu vực, thúc đẩy thương mại giữa các thành viên của FTA.
Đây được coi là tiêu chí nghiêm ngặt nhất trong hệ thống các quy tắc xuất xứ. Tuy nhiên, với thực trạng thương mại quốc tế hiện nay, rất ít sản phẩm đáp ứng được tiêu chí này.
Lưu ý thêm: Có nhiều loại xuất xứ hàng hóa. Để hàng hóa được cấp C/O bắt buộc phải đáp ứng được tiêu chí xuất xứ. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất để xin được C/O cho lô hàng. Muốn biết hàng hóa xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo tiêu chí nào, cần phải tra thông tư, nghị định của hiệp định FTA của form C/O đó.
2. Những Hàng Hóa Áp Dụng Tiêu Chí W/O
Những hàng hóa được quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 31/2018/NĐ-CP được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ trong các trường hợp sau:
(1) Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.
(2) Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.
(3) Các sản phẩm từ động vật sống nêu tại (2).
(4) Các sản phẩm thu được từ săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt, nuôi trồng, thu lượm hoặc săn bắt tại nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.
(5) Các khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên, không được liệt kê từ (1) đến (4), được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển của một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.
(6) Các sản phẩm lấy từ nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ, với Điều kiện nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó có quyền khai thác đối với vùng nước, đáy biển và dưới đáy biển theo luật pháp quốc tế.
(7) Các sản phẩm đánh bắt và các hải sản khác đánh bắt từ vùng biển cả bằng tàu được đăng ký ở nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó và được phép treo cờ của nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.
(8) Các sản phẩm được chế biến hoặc được sản xuất ngay trên tàu từ các sản phẩm nêu tại (7) được đăng ký ở nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó và được phép treo cờ của nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.
(9) Các vật phẩm thu được trong quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng ở nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó hiện không còn thực hiện được chức năng ban đầu, không thể sửa chữa hay khôi phục được và chỉ có thể vứt bỏ hoặc dùng làm các nguyên liệu, vật liệu thô, hoặc sử dụng vào Mục đích tái chế.
(10) Các hàng hóa thu được hoặc được sản xuất từ các sản phẩm nêu từ (1) đến (9) tại nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.
Ví dụ: Một lô cà phê hạt được trồng, thu hoạch, và chế biến hoàn toàn tại Việt Nam. Trong trường hợp này, lô cà phê đó sẽ được coi là đáp ứng tiêu chí W/O vì toàn bộ quá trình sản xuất và nguyên liệu đều có nguồn gốc thuần túy từ Việt Nam.
Hay ví dụ điển hình là xuất khẩu gạo ST25 – loại gạo ngon nhất thế giới từ Việt Nam, đã được chứng nhận W/O, mang lại lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tiêu chí này cũng áp dụng tương tự với các sản phẩm khác như:
- Gạo được trồng và thu hoạch tại Thái Lan.
- Quặng sắt được khai thác hoàn toàn tại Australia.
- Cá được đánh bắt trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Nhật Bản.
Những sản phẩm này đều đáp ứng tiêu chí W/O, vì chúng hoàn toàn được thu hoạch, khai thác, hoặc sản xuất trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia xuất khẩu mà không cần thêm nguyên liệu hoặc công đoạn từ quốc gia khác.
>> Học để hiểu thêm về các tiêu chí xuất xứ hàng hóa tại: Khóa Học Chứng Nhận Xuất Xứ Hàng Hóa (C/O) Chuyên Sâu
3. Ưu Điểm Và Thách Thức Đối Với Việc Đáp Ứng Tiêu Chí W/O
Sản phẩm đáp ứng tiêu chí W/O mang lại nhiều lợi ích:
- Ưu đãi thuế quan: Các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP thường áp dụng thuế suất 0% cho sản phẩm W/O.
- Tăng uy tín sản phẩm: Người tiêu dùng quốc tế tin tưởng hơn vào các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
- Xây dựng thương hiệu quốc gia: Góp phần khẳng định vị thế của quốc gia trên thị trường quốc tế.
Thách thức:
- Nguồn lực tự nhiên hạn chế: Một số quốc gia không có đủ nguyên liệu tự nhiên để sản xuất sản phẩm W/O.
- Yêu cầu khắt khe: Quy trình kiểm tra và xác minh xuất xứ phức tạp, mất nhiều thời gian.
- Cạnh tranh quốc tế: Các quốc gia có nguồn lực dồi dào thường chiếm ưu thế hơn.
>> Xem thêm: Phương pháp chuyển đổi mã số hàng hóa CTC là gì?
CTH Là Gì? Tiêu Chí Chuyển Đổi Mã Số Hàng Hóa Chi Tiết
4. Phân biệt tiêu chí W/O và RVC 100%
Một số bạn thắc mặc việc RVC 100% lại không được hiển thị là W/O trên C/O, đây là hiểu nhầm về bản chất của 2 tiêu chí này, cùng phân tích rõ hơn.
W/O (Wholly Obtained) được áp dụng khi sản phẩm được sản xuất, khai thác, hoặc thu hoạch hoàn toàn trong lãnh thổ của một quốc gia thành viên tham gia hiệp định thương mại mà không bao gồm bất kỳ thành phần nào từ quốc gia khác. Mỗi hiệp định thương mại sẽ có quy định riêng về tiêu chí xuất xứ thuần túy.
Ngược lại, RVC (Regional Value Content), hay quy tắc Hàm lượng giá trị khu vực, được sử dụng khi sản phẩm không đáp ứng tiêu chí W/O. RVC phản ánh tỷ lệ giá trị của nguyên liệu xuất xứ từ các nước thành viên FTA trong tổng giá trị sản phẩm. Nếu nguyên liệu cấu thành sản phẩm hoàn toàn đến từ các quốc gia trong FTA, thì RVC sẽ đạt 100%.
Ví dụ về sự khác biệt giữa W/O và RVC:
Trường hợp W/O (Wholly Obtained):
Một lô gạo được trồng, thu hoạch, và chế biến hoàn toàn tại Việt Nam mà không sử dụng bất kỳ nguyên liệu hay công đoạn nào từ quốc gia khác. Lô gạo này sẽ được coi là đáp ứng tiêu chí W/O vì toàn bộ quy trình và nguyên liệu đều xuất xứ từ Việt Nam.
Trường hợp RVC (Regional Value Content):
Một chiếc áo sơ mi được sản xuất tại Việt Nam với các nguyên liệu đầu vào như sau:
- Vải được dệt tại Thái Lan.
- Cúc áo sản xuất tại Singapore.
- Chỉ may nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tất cả các quốc gia này đều là thành viên của Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA). Do đó, nếu giá trị của nguyên liệu đầu vào từ các quốc gia trong FTA chiếm 100% tổng giá trị sản phẩm, chiếc áo sơ mi sẽ đáp ứng tiêu chí RVC 100%.
Sự khác biệt:
W/O: Lô gạo chỉ được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam và không có sự tham gia của nguyên liệu từ quốc gia khác. Đây là xuất xứ thuần túy trong phạm vi một quốc gia.
RVC 100%: Chiếc áo sơ mi sử dụng nguyên liệu từ nhiều quốc gia thuộc FTA nhưng tổng giá trị nguyên liệu này vẫn đạt 100%, cho thấy sự xuất xứ trong khu vực các nước thành viên FTA. Nó không thể hiện xuất xứ thuần túy (W/O), vì nguyên liệu đến từ nhiều quốc gia.
Vì vậy, một sản phẩm đạt RVC 100% không thể hiện được W/O, nhưng cả hai tiêu chí đều hợp lệ khi được chứng nhận trên C/O.
5. Mẫu Bảng Kê Khai Hàng Hóa Xuất Khẩu Đạt Tiêu Chí W/O Mới Nhất
- Bảng kê khai hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí W/O sử dụng nguyên liệu thu mua trong nước, không có hóa đơn giá trị gia tăng
Mẫu này được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 05/2018/TT-BCT bị thay thế bằng Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 44/2023/TT-BCT (Theo khoản 2 Điều 1 Thông tư 44/2023/TT-BCT), áp dụng trong trường hợp nguyên liệu được thu mua trong nước để sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu nhưng không có hóa đơn giá trị gia tăng.
- Hồ sơ (đóng dấu sao y bản chính) bao gồm: Quy trình sản xuất hàng hóa, CCCD của người bán NVL; Giấy xác nhận của người bán nguyên liệu về vùng nuôi trồng, khai thác, số lượng và trị giá bán cho thương nhân (nếu có) để đối chiếu với thông tin kê khai.
- Bảng kê khai hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí W/O sử dụng nguyên liệu thu mua trong nước, có hóa đơn giá trị gia tăng
Bảng kê được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 05/2018/TT-BCT, áp dụng trong trường hợp nguyên liệu được thu mua trong nước để sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu và có hóa đơn giá trị gia tăng.
- Hồ sơ (đóng dấu sao y bản chính) bao gồm: Quy trình sản xuất hàng hóa, Hóa đơn giá trị gia tăng, Giấy ĐKKD của nhà sản xuất/nhà cung cấp nguyên liệu trong nước, Bản khai báo của nhà sản xuất/nhà cung cấp nguyên liệu trong nước để đối chiếu với thông tin kê khai tại các cột (8), cột (9), cột (10) và cột (11).
Tiêu chí xuất xứ thuần túy (W/O) đóng vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế, giúp các doanh nghiệp và quốc gia nâng cao uy tín và mở rộng thị trường. Để tận dụng tối đa lợi ích của tiêu chí này, các doanh nghiệp cần đầu tư vào việc tuân thủ quy định và xác minh nguồn gốc sản phẩm.
Với xu hướng ngày càng siết chặt về nguồn gốc hàng hóa, việc đáp ứng tiêu chí W/O không chỉ là yêu cầu mà còn là cơ hội để doanh nghiệp khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Hy vọng qua bài viết trên Xuất nhập khẩu Lê Ánh đã giúp bạn hiểu rõ về W/O, sử dụng đúng tiêu chí W/O tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan, hữu ích cho công việc của mình.
Xuất nhập khẩu Lê Ánh – Địa chỉ đào tạo xuất nhập khẩu thực tế số 1 Việt Nam. Chúng tôi đã tổ chức thành công các khóa học xuất nhập khẩu tại TPHCM & Hà Nội, khóa học logistics cơ bản - chuyên sâu, khóa học thanh toán quốc tế, khóa học khai báo hải quan điện tử, Khóa học purchasing, khóa học sales xuất khẩu hay khóa học báo cáo quyết toán hải quan, khóa Học Chứng Nhận Xuất Xứ Hàng Hóa (C/O) chuyên sâu... hướng dẫn thực hành và hỗ trợ cho hàng nghìn học viên, mang đến kiến thức và cơ hội làm việc trong ngành logistics và xuất nhập khẩu đến với đông đảo học viên trên cả nước.
Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn chi tiết về các khóa học xuất nhập khẩu online/ offline: 0904.84.8855
Ngoài các khóa học xuất nhập khẩu - logistics chất lượng thì trung tâm Lê Ánh còn cung cấp các khóa học kế toán tổng hợp online - offline, khóa học hành chính nhân sự chuyên nghiệp chất lượng tốt nhất hiện nay.
Thực hiện bởi: XUẤT NHẬP KHẨU LÊ ÁNH - TRUNG TÂM ĐÀO TẠO XUẤT NHẬP KHẨU THỰC TẾ SỐ 1 VIỆT NAM