L/C Đối Ứng (Reciprocal L/C) Là Gì? Được Sử Dụng Khi Nào?
L/C đối ứng (Reciprocal L/C) là gì? thường được sử dụng trong các giao dịch có ràng buộc chặt chẽ và đối ứng từ hai bên, L/C đối ứng (Reciprocal L/C) có đặc điểm gì, được sử dụng khi nào, quy trình thực hiện ra sao? Xuất nhập khẩu Lê Ánh sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất qua bài viết sau đây.
1. L/C đối ứng (Reciprocal L/C) là gì?
L/C đối ứng hay Reciprocal L/C là loại thư tín dụng chỉ bắt đầu có hiệu lực khi có một thư tín dụng khác đối ứng với nó được mở ra. Tại đó, L/C đối ứng chỉ được ngân hàng phát hành cam kết thanh toán sau khi nhận được đầy đủ tiền hàng theo L/C ban đầu.
Với những L/C thông thường khi chứng từ được xuất trình phù hợp thì L/C sẽ được chấp nhận thanh toán. Nhưng riêng với L/C đối ứng thì ngân hàng phát hành L/C đối ứng chỉ cam kết thanh toán sau khi nhận được đầy đủ tiền hàng theo L/C ban đầu.
L/C đối ứng thường được sử dụng trong giao dịch trong gia công hàng xuất khẩu, hoặc mua bán bằng hình thức hàng đổi hàng.
Ví dụ: Công ty X (ở Việt Nam) ký hợp đồng với Công ty Y (ở Thái Lan) để sản xuất linh kiện điện tử theo yêu cầu. Công ty X sẽ mở một L/C tại ngân hàng của mình để đảm bảo thanh toán cho Công ty Y khi nhận được thành phẩm.
Công ty Y là bên nhận gia công nhưng cần nhập nguyên vật liệu từ một nhà cung cấp khác (Công ty Z ở Hàn Quốc) để thực hiện đơn hàng. Để làm được điều này, Công ty Y phải dùng L/C do bên công ty X mở làm cơ sở để yêu cầu mở một L/C tại ngân hàng của mình để thanh toán cho Công ty Z khi nguyên vật liệu được giao.
Trong trường hợp này, L/C mà Công ty Y mở để nhập nguyên vật liệu từ Công ty Z là L/C đối ứng với L/C mà Công ty X mở để thanh toán thành phẩm gia công cho Công ty Y. Hai L/C này liên kết chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi cho cả ba bên trong chuỗi cung ứng.
>> Xem thêm:
- L/C dự phòng (L/C standby) là gì? Ý nghĩa của thư tín dụng dự phòng
- Red Clause L/C - Thư tín dụng điều khoản đỏ là gì?
- Revolving L/C - Thư tín dụng tuần hoàn
2. Đặc điểm của L/C đối ứng
L/C đối ứng là loại L/C có điều kiện. Vì vậy trong L/C ban đầu thường phải ghi câu: "L/C này chỉ có giá trị khi người hưởng lợi đã mở lại một L/C khác đối ứng với nó để cho người mở L/C này hưởng".
Trong L/C đối ứng cũng phải ghi câu: "L/C này đối ứng với L/C số ... mở ngày ... tại ngân hàng ... với số tiền là ... ".
L/C đối ứng luôn tồn tại hai L/C riêng biệt nhưng có liên quan chặt chẽ. Một L/C gốc được phát hành trước làm cơ sở để ngân hàng phát hành L/C thứ hai cho giao dịch liên quan.
Thư tín dụng đối ứng có mối quan hệ phụ thuộc chặt chẽ, L/C thứ hai có hiệu lực khi L/C gốc được phát hành hợp lệ và các điều khoản trong L/C ban đầu được thực hiện đúng.
L/C đối ứng từng phổ biến ở Việt Nam trong những năm 1990, nhất là sử dụng trong ngành dệt may. Thời kỳ đó, nhiều công ty dệt may Việt Nam thực hiện gia công hàng hóa cho các đối tác Hàn Quốc. Công ty Việt Nam thường nhập nguyên liệu từ các nước khác để sản xuất và sẽ sử dụng L/C đối ứng như một giải pháp tài chính nhằm đảm bảo sự công bằng cho các bên liên quan, (nhà gia công Việt Nam, nhà cung cấp nguyên liệu, và khách hàng Hàn Quốc) mặc dù các bên có thể chưa hiểu biết về nhau.
Tuy nhiên, thủ tục và cấu trúc của L/C đối ứng khá phức tạp và phí cao, nên hiện ít được sử dụng.
>> Bài viết tham khảo: Khóa học xuất nhập khẩu online cho người mới bắt đầu
3. Ưu và nhược điểm của L/C đối ứng
Ưu điểm của (Reciprocal L/C)
- Đây là loại L/C đảm bảo thanh toán giữa nhiều bên như người mua, người bán, nhà cung cấp nguyên liệu, đặc biệt trong các giao dịch có yếu tố gia công hoặc trao đổi hàng hóa song phương.
- Được sử dụng trong trong giao dịch phức tạp, đòi hỏi sự trao đổi hàng hóa giữa 2 hoặc 3 bên
- L/C đối ứng thường đảm bảo, sử dụng ngay cả khi các bên không biết về nhau.
Nhược điểm của L/C đối ứng
- Quy trình thực hiện phức tạp: Đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngân hàng phát hành và các bên tham gia, thủ tục, quy trình quản lý giao dịch cũng phức tạp hơn so với các hình thức L/C khác.
- Chi phí cao sử dụng Reciprocal L/C khá cao: Do cần phát hành và quản lý hai L/C nên chi phí phát hành, thủ tục rườm rà hơn và các chi phí giao dịch, xử lý qua các ngân hàng khác nhau sẽ cao hơn so với L/C thông thường khác.
Hiện nay L/C đối ứng ít được sử dụng trong giao dịch quốc tế do sự ra đời của các phương thức thanh toán linh hoạt hơn như T/T, D/P, hoặc L/C thông thường.
>> Xem thêm:
4. Quy trình thực hiện của L/C đối ứng
Quy trình thực hiện L/C diễn ra lần lượt theo các bước sau:
1. Người mua (Bên A) yêu cầu ngân hàng của mình phát hành một L/C gốc, đảm bảo thanh toán cho người bán (Bên B) khi hàng hóa được giao đúng theo điều kiện quy định trong L/C.
2. Ngân hàng của Bên A phát hành L/C gốc và gửi đến ngân hàng thông báo cho Bên B.
3. Sau khi nhận được L/C gốc, Bên B dùng L/C này làm cơ sở tài chính để yêu cầu ngân hàng của mình phát hành L/C đối ứng nhằm thanh toán cho nhà cung cấp nguyên vật liệu (Bên C).
4. Ngân hàng của Bên B kiểm tra và phát hành L/C đối ứng gửi đến ngân hàng thông báo của Bên C.
5. Bên C (nhà cung cấp nguyên vật liệu) tiến hành giao hàng cho Bên B và xuất trình chứng từ theo L/C đối ứng.
Bên B tiếp tục gia công hoặc sản xuất thành phẩm và giao hàng cho Bên A (người mua).
6. Bên C gửi bộ chứng từ giao hàng cho ngân hàng thông báo của mình (theo L/C đối ứng). Ngân hàng kiểm tra chứng từ và thanh toán cho Bên C nếu hợp lệ.
Bên B cũng gửi bộ chứng từ hoàn chỉnh đến ngân hàng của Bên A (theo L/C gốc) để yêu cầu thanh toán.
7. Ngân hàng phát hành L/C gốc kiểm tra bộ chứng từ từ Bên B và tiến hành thanh toán cho Bên B qua ngân hàng trung gian.
Ngân hàng của Bên B sử dụng khoản thanh toán này để bù đắp chi phí đã thanh toán theo L/C đối ứng cho Bên C.
8. Bên A nhận hàng và bộ chứng từ từ ngân hàng phát hành L/C gốc.
Các ngân hàng hoàn tất thanh toán và giao dịch được kết thúc.
Trên đây Xuất nhập khẩu Lê Ánh đã thông tin chi tiết tới bạn về L/C đối ứng giúp bạn có cái nhìn đầy đủ tổng quan về loại L/C này. Nếu bạn muốn tìm hiểu chi tiết thông tin về các loại L/C khác, hay muốn nâng cao nghiệp vụ về thanh toán quốc tế, tham khảo thông tin về các khóa học nghiệp vụ xuất nhập khẩu, khóa học thanh toán quốc tế chuyên sâu, hãy để lại bình luận để chúng tôi có thể chia sẻ thêm thông tin chi tiết tới bạn.
Xuất nhập khẩu Lê Ánh – Địa chỉ đào tạo xuất nhập khẩu thực tế số 1 Việt Nam. Chúng tôi đã tổ chức thành công các khóa học xuất nhập khẩu tại TPHCM & Hà Nội, khóa học logistics cơ bản - chuyên sâu, khóa học thanh toán quốc tế, khóa học khai báo hải quan điện tử chuyên sâu, Khóa học purchasing, khóa học sales xuất khẩu chuyên sâu hay khóa học báo cáo quyết toán hải quan... và hỗ trợ việc làm cho hàng nghìn học viên, mang đến cơ hội làm việc trong ngành logistics và xuất nhập khẩu đến với đông đảo học viên trên cả nước.
Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn chi tiết về các khóa học xuất nhập khẩu online/ offline: 0904.84.8855
Ngoài các khóa học xuất nhập khẩu - logistics chất lượng thì trung tâm Lê Ánh còn cung cấp các khóa học kế toán online - offline, khóa học hành chính nhân sự chuyên nghiệp chất lượng tốt nhất hiện nay.
Thực hiện bởi: XUẤT NHẬP KHẨU LÊ ÁNH - TRUNG TÂM ĐÀO TẠO XUẤT NHẬP KHẨU THỰC TẾ SỐ 1 VIỆT NAM