ISBP Là Gì? ISBP 745 Là Gì? Những Thông Tin Cần Biết Về ISBP
Trong thanh toán quốc tế, chúng ta thường nghe đến các thuật ngữ như UCP, ISBP nhưng chưa hiểu rõ UCP hay ISBP là gì?
Hiện nay, cùng với UCP 600, ISBP được coi như kim chỉ nam đối với các ngân hàng, các công ty xuất nhập khẩu, các chuyên gia logistics, các công ty bảo hiểm… trong việc lập và kiểm tra các chứng từ xuất trình theo thư tín dụng (L/C).
Ở bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ chi tiết về ISBP là gì và những thông tin liên quan đến phiên bản mới nhất của ISBP - ISBP 745.
>>>> Xem thêm: TTR Là Gì? Quy Trình Thanh Toán TTR? Phân Biệt TT Và TTR
- 1. ISBP là gì?
- 2. Nội dung ISBP
- Điểm mới liên quan đến các chứng từ kết hợp:
- Điểm mới về Người phát hành hóa đơn
- Điểm mới về việc Thanh toán hoặc giao hàng nhiều lần
- Điểm mới về Tên quốc gia, tên cảng trên vận đơn
- Điểm mới liên quan đến Người nhận hàng, bên thông báo
- Điểm mới về ngày được yêu cầu thể hiện trên các chứng từ vận tải
- Điểm mới liên quan đến người phát hành C/O
- Điểm mới về Nội dung của chứng nhận xuất xứ CO
- ISBP 745 Bổ sung thêm hướng dẫn cách kiểm tra một số chứng từ khác
- 3. Mối quan hệ giữa UCP và ISBP
- 4. Những lưu ý khi sử dụng ISBP
1. ISBP là gì?
ISBP là viết tắt của cụm từ International Standard Banking Practice for the Examination of Documents under Documentary Credits – là tập quán Ngân hàng Tiêu chuẩn Quốc tế về Kiểm tra Chứng từ theo Thư tín dụng.
ISBP 745 là Tập quán ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế để kiểm tra chứng từ theo UCP 600” (International Standard Banking Practice for the Examination of Documents under UCP 600 – ISBP 745 2013 ICC)
Hiện nay ISBP 745 đang là phiên bản được sử dụng phổ biến nhất. Trong bài viết này chúng tôi cũng đề cập đến các nội dung của ISBP 745.
Vì sao ISBP ra đời?
Nếu bạn đang làm nghề thanh toán quốc tế, UCP là văn bản quốc tế có điều chỉnh hoạt động thanh toán quốc tế và được áp dụng vô cùng rộng rãi. Tuy nhiên khi vận dụng không có sự thống nhất của các bên tham gia ở cùng một quy định trong UCP. Không chỉ vậy, thực tế hoạt động thanh toán L/C ngày càng phát triển, có nhiều vấn đề phát sinh dẫn đến nhiều tranh chấp & những khúc mắc cần giải đáp về bộ chứng từ thanh toán L/C. Chính những vấn đề này đã làm cho thanh toán L/C trở nên rắc rối và kém hiệu quả.
Trong hoàn cảnh đó, Tại Hội nghị Rome vào ngày 31 tháng 10 năm 2002, Ủy ban Ngân hàng đã bỏ phiếu thông qua ISBP 645. Để tương thích với các quy định của UCP 600, ICC đã phê duyệt ISBP 681, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2007.
ISBP là văn bản bổ sung thực tế cho UCP, không phải văn bản sửa đổi của UCP, ISBP giải thích chi tiết hơn và các quy tắc rõ ràng về cách UCP trong các giao dịch thư tín dụng để việc áp dụng UCP trở nên dễ dàng hơn, tránh xảy ra các tranh chấp khi sử dụng UCP.
ISBP đặt ra các nguyên tắc chung trong công việc hàng ngày của UCP và thư tín dụng của thế giới, và thế giới trở thành một. Do đó, số lượng bộ hồ sơ thanh toán L/C bị từ chối được gửi đến giảm đi đáng kể.
2. Nội dung ISBP
Khi sử dụng ISBP bạn cần nghiên cứu kỹ về nội dung của ISBP & hiểu rõ nguyên tắc áp dụng ISBP
Về nội dung của văn bản ISBP, bạn đọc có thể TẢI VỀ: ISBP 745 bản tiếng Anh, ISBP 745 bản tiếng Việt
Ở phạm vi bài viết này chúng tôi chia sẻ một số điểm mới của ISBP 745 như sau:
Điểm mới liên quan đến các chứng từ kết hợp:
ISBP 745 điều chỉnh một số nội dung liên quan đến chứng nhận như sau:
Chứng từ được L/C yêu cầu thể hiện nhiều hơn một chức năng có thể được xuất trình bằng một chứng từ hoặc bằng các chứng từ riêng biệt thể hiện hoàn thành từng chức năng. Ví dụ, L/C yêu cầu xuất trình một Chứng nhận Chất lượng và Số lượng sẽ được thỏa mãn bằng cách xuất trình một chứng từ hoặc bằng một Chứng nhận Chất lượng và một Chứng nhận Số lượng miễn là từng chứng từ đều thể hiện chức năng của nó và được xuất trình đúng số lượng bản gốc và bản sao theo yêu cầu của L/C.
Điểm mới về Người phát hành hóa đơn
ISBP 681 không có hướng dẫn về người phát hành hóa đơn. ISBP 745 bổ sung thêm hướng dẫn này nhằm làm rõ Điều 18(a)(i) UCP 600 quy định về người phát hành hóa đơn. Theo đó, hóa đơn phải được phát hành bởi người thụ hưởng, hoặc bởi người thụ hưởng thứ hai trong trường hợp L/C đã được chuyển nhượng.
Khi người thụ hưởng hoặc người thụ hưởng thứ hai có thay đổi tên và L/C vẫn ghi tên cũ, thì hóa đơn có thể được phát hành bằng tên công ty mới miễn là có nêu “trước đây được gọi là [tên của người thụ hưởng thứ nhất hoặc người thụ hưởng thứ hai] hoặc bằng từ ngữ có ý nghĩa tương tự.
Điểm mới về việc Thanh toán hoặc giao hàng nhiều lần
ISBP 745 bổ sung thêm hướng dẫn về thanh toán nhiều lần, chi tiết như sau:
Khi việc thanh toán và giao hàng nhiều lần (drawing or shipment by instalments) trong các khoản thời gian được quy định trong L/C, và bất kỳ lần giao hàng nào không được thanh toán hoặc không được thực hiện trong khoản thời gian cho phép đối với lần giao hàng đó, thì L/C không còn giá trị thanh toán cho lần giao hàng đó và cho bất kỳ lần giao hàng nào sau đó. Các khoản thời gian là bảng liệt kê ngày tháng xác định ngày bắt đầu và ngày kết thúc cho mỗi lần giao hàng. Chẳng hạn, L/C yêu cầu giao 100 ô tô vào tháng Ba và 100 ô tô vào tháng Tư là một ví dụ hai thời hạn được bắt đầu vào ngày 1 tháng Ba và 1 tháng Tư và kết thúc tuần tự vào ngày 31 tháng Ba và 30 tháng Tư.
Khi thanh toán và giao hàng từng phần (partial drawings or shipments) được phép thì cho phép nhiều đợt thanh toán hoặc giao hàng trong mỗi lần giao hàng.
Khi L/C quy định lịch trình thanh toán và giao hàng bằng cách chỉ ghi một số ngày chậm nhất, chứ không gi một khoản thời hạn quy định, thì đó không phải là lịch trình giao hàng nhiều lần như theo quy định của UCP 600 và Điều 32 sẽ không áp dụng. Việc xuất trình sẽ phải tuân thủ chỉ thị liên quan đến lịch trình và Điều 31 UCP 600.
Khi thanh toán và giao hàng từng phần được phép, thì bất kỳ số lần thanh toán hoặc giao hàng xảy ra vào ngày hoặc trước ngày thanh toán hoặc giao hàng chậm nhất đó là được phép.
Rõ ràng với hướng dẫn như trên, ISBP 745 giúp người kiểm tra chứng từ có thể phân biệt được rõ trường hợp nào là thanh toán và giao hàng từng phần (partial drawings or shipments) và trường hợp nào là thanh toán và giao hàng nhiều lần (instalment drawings and shipments)được quy định tại Điều 31 và 32 UCP 600 vốn rất dễ gây hiểu nhầm.
Điểm mới về việc Phát hành, nhà chuyên chở, nhận diện nhà chuyên chở và ký vận đơn
ISBP 681 chỉ là hướng dẫn ký vận đơn, trong khi ISBP 745 mở rộng hướng dẫn về việc phát hành, nhà chuyên chở, nhận biết nhà chuyên chở và ký vận đơn. Theo đó, về việc ký vận đơn, ISBP 745 hướng dẫn bổ sung:
Khi vận đơn (đa phương thức, đường biển, đường hàng không) hay chứng từ vận tải (đường bộ, đường sắt, đường sông) được ký bởi một chi nhánh đích danh của nhà chuyên chở, thì chữ ký đó được xem là chữ ký của nhà chuyên chở.
ISBP 745 bổ sung thêm quy định về trường hợp L/C có quy định không chấp nhận vận đơn của người giao nhận (Freight Forwarder’s Bill of Lading/Multimodal Bill of Lading are not acceptable) hoặc không chấp nhận vận đơn gom hàng (House Bill of Lading/Multimodal Bill of Lading are not acceptable). Theo đó, quy định này không có ý nghĩa trong ngữ cảnh của tiêu đề, format, nội dung và hình thức ký vận đơn trừ phi L/C có yêu cầu cụ thể về cách thức vận đơn đó được phát hành và ký trừ phi L/C có yêu cầu cụ thể về cách thức vận đơn đó được phát hành và ký.
Vận đơn có thể được ký bởi bất kỳ đơn vị nào không phải là nhà chuyên chở hay thuyền trưởng
Ghi chú bốc hàng lên tàu, ngày giao hàng, phương tiện chuyên chở chặng đầu, nơi nhận hàng và cảng bốc hàng
ISBP 681 chỉ hướng dẫn về ghi chú on board, trong khi hướng dẫn đầy đủ về Ghi chú bốc hàng lêntàu, ngày giao hàng, phương tiện chuyên chở chặng đầu, nơi nhận hàng và cảng bốc hàng. Đặc biệt, ISBP 745 hướng dẫn về ghi chú đã bốc hàng lên tàu (on board notation) rất chi tiết phù hợp với đề xuất của Ủy ban Ngân hàng liên quan đến các yêu cầu đối với ghi chú đã bốc hàng tại Văn bản số 470/1128rev final – 22/4/2010 (Document No.470/1128rev final – 22 April 2010 – Recommendations of the Banking Commission in respect of the Requirements for an On Board Notation).
Điểm mới về Tên quốc gia, tên cảng trên vận đơn
Theo ISBP 745 tên quốc gia không cần phải xuất hiện trên chứng từ vận tải cho dù L/C có quy định tên quốc gia kèm theo nơi gửi hàng, nơi nhận hàng hoặc cảng bốc hàng, cảng dỡ hàng, nơi đến cuối cùng.
Đối với vận đơn hàng không, ISBP 745 cho phép ghi tên cảng đi và cảng đến bằng cách sử dụng mã IATA (International Air Traffic Association) thay vì sử dụng tên đầy đủ của cảng hàng không (ví du, LAX thay vì Los Angles).
Điểm mới liên quan đến Người nhận hàng, bên thông báo
Liên quan đến thông tin về người nhận hàng (consignee) và bên thông báo (notify party) trên các chứng từ vận tải, ngoài hướng dẫn tương tự như ISBP 681, ISBP 745 hướng dẫn bổ sung như sau:
Khi L/C quy định chi tiết của một hay nhiều bên thông báo (notify party), chứng từ vận tải cũng có thể thể hiện chi tiết của một hoặc nhiều bên thông báo bổ sung.
Khi L/C không có yêu cầu một bên thông báo thể hiện trên chứng từ vận tải nhưng chi tiết về người yêu cầu phát hành L/C thể hiện là bên thông báo, và những chi tiết này bao gồm các chi tiết về địa chỉ và các chi tiết liên hệ, thì chúng không được mâu thuẫn với các chi tiết được nêu trong L/C.
Khi L/C yêu cầu chứng từ vận tải thể hiện hàng hóa được gửi cho hoặc theo lệnh của “Ngân hàng phát hành” hay “người yêu cầu phát hành L/C” hoặc thông báo cho “người yêu cầu phát hành L/C” hoặc “Ngân hàng phát hành”, thì chứng từ phải thể hiện tên Ngân hàng phát hành hoặc người yêu cầu phát hành L/C nhưng không cần phải thể hiện chi tiết về địa chỉ và chi tiết liên lạc của Ngân hàng phát hành hoặc người yêu cầu phát hành L/C .
Khi các chi tiết về địa chỉ và chi tiết liên lạc của người yêu cầu thể hiện là một phần của các chi tiết về người nhận hàng hoặc bên thông báo, thì chúng không được mâu thuẫn với các chi tiết được nêu trong L/C.
Điểm mới về ngày được yêu cầu thể hiện trên các chứng từ vận tải
Về các ngày ghi trên chứng từ, ISBP 745 quy định rõ ràng hơn ISBP 681. Theo đó, các chứng từ vận tải gốc, tùy theo loại, phải ghi ngày phát hành (a date of issuance), ghi chú bốc hàng có ghi ngày (a date on board notation), ngày giao hàng (a date of shipment), ngày nhận hàng để giao hàng (a date of receipt for shipment), ngày gửi hàng hoặc chuyên chở (a date of dispatch or carriage) hoặc là ngày nhận hàng (a date of taking in charge or a date of pick up or receipt).
Điểm mới liên quan đến người phát hành C/O
ISBP quy định cụ thể hơn như sau:
Khi L/C yêu cầu xuất trình một C/O được phát hành bởi người thụ hưởng, nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất, điều kiện này sẽ được thỏa mãn bằng việc xuất trình một C/O được phát hành bởi Phòng Thương mại hay một cơ quan chức năng tương tự, chẳng hạn nhưng không hạn chế, Phòng Công nghiệp (Chamber of Industry), Hiệp hội Công nghiệp (Association of Industry), Phòng Kinh tế (Economic Chamber), Cơ quan Hải quan (Customs Authorities) và Sở Thương mại (Department of Trade) hay cơ quan chức năng tương tự. Phần gạch dưới là phần được bổ sung thêm so với ISBP 681.
ISBP 745 cũng bổ sung hướng dẫn khi L/C yêu cầu xuất trình một C/O được phát hành bởi Phòng Thương mại, thì điều kiện này cũng được thỏa mãn bằng việc xuất trình một C/O được phát hành bởi Phòng Công nghiệp, Hiệp hội Công nghiệp, Phòng Kinh tế, Cơ quan Hải quan và Sở Thương mại hay một cơ quan chức năng tương tự.
Điểm mới về Nội dung của chứng nhận xuất xứ CO
Trong hoạt động thanh toán quốc tế, CO cũng là chứng từ có liên quan đến hoạt động thanh toán, trong ISBP 745 có giải thích cụ thể như sau:
Khi L/C thể hiện xuất xứ của hàng hóa nhưng không yêu cầu xuất trình một C/O, thì bất kỳ tham chiếu nào đến xuất xứ trên chứng từ quy định không được mâu thuẫn với xuất xứ đã nêu. Ví dụ, khi L/C thể hiện “xuất xứ hàng hóa: Nước Đức” mà không yêu cầu xuất trình một C/O, thì một lời tuyên bố trên bất kỳ chứng từ được quy định thể hiện một xuất xứ hàng hóa khác thì coi như mâu thuẫn dữ liệu.
Một C/O có thể thể hiện một số hóa đơn, ngày hóa đơn và lộ trình giao hàng khác với dữ liệu ghi trên các chứng từ khác miễn là nhà xuất khẩu hay người gửi hàng thể hiện trên C/O không phải là người thụ hưởng.
Như vậy khi làm thanh toán L/C doanh nghiệp cần lưu ý các thông tin trên L/C để có sự chuẩn bị chuẩn chỉnh bộ hồ sơ làm thanh toán.
ISBP 745 Bổ sung thêm hướng dẫn cách kiểm tra một số chứng từ khác
ISBP 745 bổ sung hướng dẫn kiểm tra một số chứng từ mà ISBP 681 không đề cập như phiếu đóng gói (packing list) bảng kê trọng lượng (weight list), chứng nhận của người thụ hưởng (beneficiary certificate), các chứng nhận phân tích, giám định, y tế, kiểm dịch thực vật, số lượng, chất lượng và các chứng nhận khác . Theo đó, hướng dẫn kiểm tra các yếu tố sau đây:
- Các yêu cầu cơ bản và hoàn thành chức năng của chứng từ
- Người phát hành
- Nội dung của chứng từ.
3. Mối quan hệ giữa UCP và ISBP
ISBP và UCP được coi như “cặp bài trùng” quy định các vấn đề về phương thức thanh toán thư tín dụng chứng từ L/C.
tập quán Ngân hàng Tiêu chuẩn Quốc tế về Kiểm tra Chứng từ theo Thư tín dụng - ISBP 745 được hiểu là gắn liền và không tách rời UCP 600: “This publication is to be read in conjunction with UCP 600 and not in isolation”. Nội dung này khẳng định rằng ISBP 745 2013 đã tạo ra một hành lang pháp lý để các ngân hàng kiểm tra chứng từ xuất trình theo L/C tuân thủ UCP 600 2007.
Mục đích của ISBP 745 là nhằm diễn giải và hướng dẫn áp dụng các điều khoản của UCP 600, trong phạm vi của các điều khoản và điều kiện của thư tín dụng hoặc bất cứ các sửa đổi thư tín dụng kèm theo. “The practices described in this publication highlight how the articles of UCP 600 are to be interpreted and applied, to the extent that the terms and conditions of the credit, or any amendment thereto”. Ngoài UCP 600, ngân hàng căn cứ vào ISBP 745 để kiểm tra chứng từ và có thể trích dẫn các điều khoản thích hợp của ISBP 745 để làm cơ sở quyết định thanh toán hay từ chối nếu các chứng từ xuất trình phù hợp hay không phù hợp với điều kiện và điều khoản của L/C và các sửa đổi L/C kèm theo có dẫn chiếu đến UCP 600.
Bản chất ISBP 745 không sửa đổi hay hủy bỏ các điều khoản của UCP 600: Điều này cho thấy việc ban hành ISBP chỉ với mục đích diễn giải và hướng dẫn cách áp dụng các điều khoản của UCP 600 mà không sửa đổi, bổ sung hay phủ nhận các điều khoản của UCP 600.
Như vậy, ISBP 745 gắn với UCP 600 và cùng với UCP 600, ISBP 754 đã được biên soạn để lấp đầy khoảng cách giữa các nguyên tắc chung của UCP 600 và việc áp dụng trong thực tế. Tất cả các chuyên gia ngân hàng, các hãng dịch vụ vận tải, bảo hiểm, các luật gia và doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các trường đại học và các viện nghiên cứu trên toàn thế giới, các bên tiếp xúc với phương thức tín dụng chứng từ có thể sử dụng ISBP 745 2013 như một cuốn cẩm nang pháp lý cho thói quen tạo lập và kiểm tra chứng từ hàng ngày của họ.
4. Những lưu ý khi sử dụng ISBP
Nên dẫn chiếu áp dụng UCP 600 và cả ISBP 745 2013 ICC khi phát hành thư tín dụng (L/C)
Trong phần Phạm vi áp dụng "Scope of the publication" của ISBP 745 có nói rằng ISBP 745 là bản "diễn giải và áp dụng – interpreted and applied" các điều khoản của UCP 600 2007. Điều này hàm ý ISBP chỉ là các quy tắc được thiết kế nhằm làm rõ hơn các điều khoản của UCP 600, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến chứng từ xuất trình. Trong phần này cũng khẳng định ISBP 745 không sửa đổi hay hủy bỏ các điều khoản của UCP 600. “The practices …do not expressly modify or exclude an applicable article in UCP 600”
Tuy nhiên, khi đọc lời giới thiệu “Introduction” ISBP 745 cũng như khi đọc một số quy tắc của ISBP 745 ta lại thấy rõ sự "sửa đổi – revision hay bổ sung – supplement" UCP 600 2007 ICC. Vậy thì những quy tắc của ISBP 745 2013 đã "sửa đổi hay bổ sung" UCP 600 2007 liệu có giá trị pháp lý để kiểm tra chứng từ xuất trình theo L/C hay không, nếu như L/C không dẫn chiếu áp dụng ISBP 745?
Về các quy tắc của ISBP 745 có tính chất bổ sung một số nội dung cho UCP 600
ISBP 745 2013 ban hành với mục đích nhằm "diễn giải và áp dụng" các ĐIỀU KHOẢN (Articles) của UCP 600 2007, tuy nhiên có nhiều nội dung chưa được UCP 2007 tổ hợp thành các điều khoản như:
Văn bản ISBP 745 đã diễn giải và hướng dẫn áp dụng “Quy tắc chung về kiểm tra chứng từ” – một nội dung chưa được UCP 600 2007 điều chỉnh dưới dạng là một điều khoản (Article)
Bản ISBP 745 đã diễn giải và hướng dẫn áp dụng 6 nội dung mới liên quan đến các loại chứng từ chưa được đề cập trong các điều khoản của UCP 600 như Hối phiếu (drafts), Giấy chứng nhận xuất xứ (Certificate of origin), Phiếu đóng gói (Packing List), Giấy chứng nhận của người hưởng lợi (Beneficiary’s Certificate), Phiếu kê khai trọng lượng (Weight List) và các giấy chứng nhận (Certificates) khác.
Riêng đối với chứng từ Hối phiếu, ISBP 745 2013 đã dành hẳn một mục bao gồm 9 quy tắc để diễn giải và hướng dẫn áp dụng mặc dù UCP 600 không có điều khoản riêng biệt nào điều chỉnh hối phiếu.
Vì UCP 600 không có điều khoản riêng biệt nào quy định chi tiết về Hối phiếu nên vấn đề hối phiếu có phải là chứng từ được yêu cầu xuất trình theo L/C hay không và sai biệt trên hối phiếu có cấu thành lý do để từ chối thanh toán hay không đã trở thành một chủ đề tranh cãi lớn. Thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam đã phát sinh tranh chấp giữa các ngân hàng khi kiểm tra chứng từ hối phiếu theo thư tín dụng áp dụng UCP 600.
Nếu bạn đang quan tâm đến vấn đề thanh toán quốc tế để phục vụ công việc tại Ngân hàng hoặc tại doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bạn có thể tham khảo khóa học thanh toán quốc tế chuyên sâu tại Xuất nhập khẩu Lê Ánh.
Xuất nhập khẩu Lê Ánh là đơn vị đi đầu trong đào tạo Khóa học xuất nhập khẩu ở Hà Nội, khóa học xuất nhập khẩu tại TPHCM & Khóa học xuất nhập khẩu online, bạn có thể tham khảo chi tiết khóa học tại: https://xuatnhapkhauleanh.edu.vn/
Hotline: 0904848855/0966199878
Ngoài các Khóa học xuất nhập khẩu - logistics chất lượng thì trung tâm Lê Ánh còn cung cấp các khóa học kế toán online/ offline, khóa học hành chính nhân sự chuyên nghiệp chất lượng tốt nhất hiện nay.
Từ khóa liên quan: isbp 745, isbp 745 tiếng việt, isbp, isbp là gì, isbp 745 là gì, ucp và isbp
ui tìm mãi không thấy ISBP 745 bản tiếng việt, may có ở đây, cảm ơn trung tâm nhé